Vượt qua mặc cảm
Anh Nguyễn Trung Kiên, sinh năm 1980, là Kỹ thuật viên chỉnh hình hiện đang công tác tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hương Sen. Anh quê vốn ở phường Bình Hàn, thành phố Hải Dương (Hải Dương). Năm lên 5 tuổi, sau những trận sốt cao trong mùa đông giá rét và mũi tiêm chọc thẳng vào dây thần kinh, anh bị liệt một bên chân. Tuổi thơ anh dần khép lại trên giường bệnh. Cậu bé năm ấy bắt đầu những năm tháng cùng bố mẹ "vái tứ phương", đi khắp nơi điều trị những mong cứu được được đôi chân lành lặn, bình thường như bao người.
Anh Kiên đã có 15 năm gắn bó với công việc kỹ thuật chỉnh hình.
Thế nhưng, không phải lúc nào may mắn cũng mỉm cười với cuộc đời… Tạo hóa như trêu ngươi khi để anh 2 lần nữa phải trải qua phẫu thuật do tai nạn giao thông, một lần gãy xương đùi, một lần vỡ xương bánh chè. Trên hành trình cuộc đời vốn đầy gian nan, những bước đi của anh thêm nhọc nhằn hơn với một bên chân không lành lặn. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh theo học nghề sửa chữa điện tại Hải Dương. Khi ấy anh chưa biết rằng, sẽ có một ngày chính đôi bàn tay của mình sẽ giúp đỡ rất nhiều hoàn cảnh khuyết tật khác như mình có cơ hội được can thiệp, điều trị và hòa nhập cộng đồng.
Rót một chén nước chè, anh Kiên kể lại ngắn gọn cho tôi nghe về cơ duyên đến với công việc kỹ thuật chỉnh hình. Sau thời gian theo học và làm nghề điện, từ năm 2002 - 2005, nhờ sự giúp đỡ của Quỹ Chữ thập xanh, anh được theo học chỉnh hình tại Trung tâm Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Tháng 5 - 2005, sau lần gặp gỡ với Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng Hương Sen Tuyên Quang lúc bấy giờ cùng sự giới thiệu của Giám đốc Trung tâm Phục hồi Chức năng, Bệnh viện Bạch Mai, anh chuyển công tác lên Tuyên Quang. Sau 3 tháng công tác, anh tiếp tục theo học tại Khoa Kỹ thuật chỉnh hình, Trường đại học Lao động Xã hội. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, anh trở về và gắn bó với công việc kỹ thuật chỉnh hình đến bây giờ.
Để có được ngày hôm nay, đó là quãng thời gian rất dài anh vượt qua mặc cảm khiếm khuyết với điều kiện thể chất không thể sánh bằng các bạn cùng trang lứa. Vượt lên hoàn cảnh, anh nỗ lực trở thành người có tri thức, cống hiến hết mình cho xã hội.
Lấp lánh niềm tin
Trong căn phòng kỹ thuật chỉnh hình, anh Kiên giới thiệu cho tôi từng loại dụng cụ phục vụ công tác chuyên môn. Có nhiều loại máy móc phức tạp lẫn đồ nghề thô sơ, tưởng chừng như một căn phòng làm việc thu nhỏ của cả trăm nghề. Góc ngoài cùng là chiếc máy may với đầy đủ kim, chỉ để may từng chiếc đai dài ngắn khác nhau cho từng bệnh nhân khác nhau. Bên trong nữa là khu vực đắp bột thạch cao để bó bột, làm chân tay giả…
Anh Nguyễn Trung Kiên bó bột chỉnh hình cho bệnh nhân bị tai nạn giao thông.
"Ở đây không sản xuất đại trà mà làm sản phẩm phù hợp với kích thước của từng bệnh nhân. Thế nên khuôn làm phải chuẩn, thiếu thì phải mài đi, thừa thì phải đắp thêm, cũng giống như những người làm nghề đục đẽo tượng. Trước đây, khi chưa có kỹ thuật làm chân tay giả, nẹp cổ, nẹp bụng bằng nhựa chưa phổ biến, chúng tôi lại giống như những thợ cơ khí gò, hàn, uốn từng chiếc chân tay giả bằng nhôm" - anh Kiên chia sẻ.
Dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, anh Kiên sắp xếp lại từng góc làm việc, cẩn thận lấy từng đồ nghề ra, chuẩn bị cho ca bó bột sắp tới. Vừa thao tác tay một cách tỉ mỉ, chuyên nghiệp, anh vừa bảo, khi nào có bệnh nhân cần can thiệp anh mới làm việc tại đây. Đó là những em nhỏ bị dị tật chân tay bẩm sinh cần bó bột, là người già bị tai biến liệt nửa người, là bệnh nhân tổn thương cơ thể do tai nạn giao thông… Còn công việc thường ngày của anh vẫn là ở Khoa Khám bệnh với việc tiếp đón, tư vấn cho bệnh nhân.
Suốt 15 năm với vai trò là kỹ thuật viên chỉnh hình, anh Kiên không nhớ nổi đã điều trị phục hồi cho bao nhiêu bệnh nhân. Chỉ nhớ rằng, công việc này không làm thêm ngoài giờ, không trực cấp cứu. Thế nhưng có những bệnh nhân nhà xa, đến muộn, anh vẫn tạo điều kiện hỗ trợ hết sức có thể. Một người khiếm khuyết cơ thể, giúp đỡ hàng trăm, hàng nghìn người khiếm khuyết khác, tất cả thể hiện trách nhiệm với công việc và một tấm lòng ngập tràn tình yêu thương.
Cởi áo blouse trắng, hết giờ làm việc, anh Kiên trở về nhà cần mẫn với công việc của một thợ điện chuyên nghiệp. Suốt bao năm qua, nhiều khách hàng quanh khu vực thành phố đã quen với người thợ sửa chữa với những bước chân khó nhọc nhưng vô cùng tỉ mỉ, chu đáo. Những ngày cuối tuần hay dịp nghỉ lễ, anh làm thêm công việc của người lái taxi đường dài để kiếm thêm thu nhập, vun vén, chăm sóc cho gia đình nhỏ của mình.
Bằng trái tim nhân ái cùng tinh thần vượt khó vươn lên, anh Nguyễn Trung Kiên như một "vầng trăng khuyết" tỏa sáng lấp lánh giữa cuộc đời. Với anh, sự sẻ chia, cảm thông và trao cơ hội cho người khuyết tật chính là chìa khóa, là nguồn động lực to lớn để họ vươn lên, sống hạnh phúc như tất cả mọi người.
Gửi phản hồi
In bài viết